Quy định pháp lý trong lĩnh vực Blockchain và Crypto tại Việt Nam 2024

Việt Nam đã và đang có những thay đổi quan trọng trong quy định pháp lý trong lĩnh vực blockchain và crypto. Việc hiểu rõ các quy định này là điều cần thiết để đảm bảo doanh nghiệp của bạn tuân thủ pháp luật và hoạt động hiệu quả. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các yêu cầu pháp lý mới nhất, quy trình tuân thủ và những lưu ý quan trọng, giúp doanh nghiệp bạn phát triển bền vững trong lĩnh vực blockchain và crypto tại Việt Nam.

1. Giới thiệu

1.1. Tầm quan trọng của việc nắm bắt các quy định pháp lý về lĩnh vực Blockchain và Crypto

Các quy định pháp lý về Blockchain và Crypto Mới nhất

Việc nắm bắt các quy định pháp lý trong lĩnh vực blockchain và crypto là nhiệm vụ quan trọng đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Pháp luật về crypto và blockchain tại Việt Nam đang được nghiên cứu và hoàn thiện, dự kiến sẽ có nhiều thay đổi và điều chỉnh. Do đó, hiểu rõ các quy định mới nhất giúp doanh nghiệp tránh rủi ro pháp lý, tối ưu hóa lợi ích và duy trì uy tín trên thị trường.  Đồng thời, việc tuân thủ pháp luật cũng giúp bảo vệ tài sản của doanh nghiệp và các nhà đầu tư, góp phần vào sự phát triển bền vững của toàn thị trường.

1.2. Tổng quan về sự phát triển của Blockchain và Crypto tại Việt Nam.

Blockchain đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như tài chính, logistics, y tế và giáo dục. 

Tiền điện tử cũng thu hút sự chú ý lớn, với 21% dân số Việt Nam (tương đương khoảng 20 triệu người) sở hữu ít nhất một loại tiền điện tử, theo số liệu thống kê của Triple-A năm 2023. Con số này rất ấn tượng và dự kiến sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. 

Tỷ lệ người sở hữu crypto tại Việt Nam

2. Tình Hình Pháp Lý Hiện Tại Về Blockchain và Crypto Tại Việt Nam năm 2024

2.1. Các quy định pháp lý về Blockchain

Hiện Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa chính xác hay hành lang pháp lý cụ thể về phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain. Tuy nhiên, Blockchain đã và đang trở thành một trong những công nghệ được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, được nhắc đến trong nhiều quyết định của Thủ tướng chính phủ:

  • Quyết định số 100/QĐ-TTg: Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng các công nghệ mới (Blockchain, IoT, AI, Big data) để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc.
  • Quyết định 2117/QĐ-TTg năm 2020, Quyết định số 749/QĐ-TTg: Blockchain là một ngành trong lĩnh vực công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển để Việt Nam nắm bắt cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Blockchain đang là một lĩnh vực được ưu tiên phát triển và ứng dụng. Vì vậy có thể nhận định rằng, Việt Nam sẽ không thực hiện cấm đối với việc phát triển công nghệ Blockchain. Hi vọng trong tương lai gần, sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho công ty hoạt động trong lĩnh vực này.

2.2. Các quy định pháp lý về Tiền điện tử

Việt Nam chưa có quy định rõ ràng và đầy đủ để điều chỉnh đối với crypto. Có thể nói, crypto đang nằm trong “khoảng trống pháp lý” của Việt Nam hiện nay khi không bị pháp luật cấm nhưng cũng không được pháp luật thừa nhận. 

Có thể liệt kê 3 lĩnh vực pháp luật điển hình liên quan đến crypto hiện nay của Việt Nam như:

2.2.1. Crypto có được dùng làm phương tiện thanh toán?

Tiền điện tử có được dùng làm phương tiện thanh toán

  • Crypto không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng crypto làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm theo quy định khoản 2 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi.
  • Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; nặng hơn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Từ những quy định trên chúng ta có thể rút ra: Việc cung ứng và sử dụng crypto để nhằm mục đích mua bán, trao đổi với hàng hóa bị cấm và có thể bị phạt nặng theo quy định. Vì vậy, các công ty hoạt động trong lĩnh vực blockchain và crypto tuyệt đối không nên sử dụng tiền mã hóa để thanh toán hay nhận thanh toán.

2.2.2. Crypto có được coi là tài sản?

Crypto theo pháp luật Việt Nam không được xem là tài sản. Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Theo quy định này, tài sản chỉ tồn tại ở 4 dạng:

  • Vật là một bộ phận của thế giới vật chất được tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí; có tính năng, đặc tính riêng biệt và con người có thể quản lý, khai thác, sử dụng như vàng bạc, xe cộ, đất đai, nhà cửa…
  • Tiền là phương tiện thanh toán do Nhà nước phát hành, được Nhà nước bảo hộ để định giá, trao đổi, thanh toán cho các loại tài sản khác. Tiền bao gồm nội tệ và ngoại tệ.
  • Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức được phép phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Giấy tờ có giá gồm các loại như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu, tín phiếu, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc…
  • Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác như quyền bề mặt, quyền hưởng dụng…

Theo đó, crypto chưa được coi là 1 trong 4 loại nêu trên nên không được coi là tài sản. 

Tuy nhiên, theo những quan điểm của các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý và tài chính, crypto có thể được coi là một quyền tài sản khi mà người sở hữu tài sản được quyền nắm giữ, chuyển giao cho người khác và đề xuất chính phủ xem xét đề xuất để quy crypto vào loại tài sản này.

Do chưa có quy định rõ ràng về tính pháp lý của tiền điện tử nên việc sở hữu, sử dụng, mua bán, giao dịch crypto như một loại tài sản không được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, vì chưa có quy định pháp luật rõ ràng về crypto nên gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc khi giải quyết các tranh chấp xảy ra liên quan đến crypto. 

Vì vậy, người sở hữu, nắm giữ crypto phải hết sức cẩn thận khi thực hiện giao dịch, chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với tài sản của mình.

2.2.3. Có được phép đầu tư, kinh doanh Crypto?

Pháp luật hiện hành không cấm đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến crypto. Trong danh sách các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 đều không liệt kê hoạt động kinh doanh liên quan đến crypto. Dựa trên nguyên tắc “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm” theo Điều 33 Hiến pháp thì các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, huy động vốn bằng crypto thì không bị coi là vi phạm pháp luật.

Trong thời gian gần đây, với nỗ lực để đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám, Chính phủ đã có những động thái hướng đến mục tiêu xây dựng hành lang pháp lý cho tiền điện tử. Bao gồm:

  • Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” về giải pháp “Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain).
  • Nghị định 52/2024/NĐ-CP: Lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về tiền điện tử, là giá trị tiền đồng lưu trữ trên ví điện tử và thẻ trả trước, hay nói một cách đơn giản là tiền pháp định VND được lưu trữ trên các ví điện tử và thẻ ngân hàng. Định nghĩa này được đưa ra để nhằm phân biệt với định nghĩa tiền điện tử mà chúng ta vẫn hay dùng dành cho BTC, ETH… Điều này cho thấy, Chính phủ sẽ sớm có định nghĩa đối với tiền mã hóa (Cryptocurrency).

 3. Giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp Blockchain và Crypto

Hiện chưa có quy định về giấy phép hoạt động đối với các công ty trong lĩnh vực blockchain và crypto. Các công ty hoạt động trong 2 lĩnh vực này thường đăng ký hoạt động ở những nước có quy định rõ ràng và cởi mở về blockchain như Singapore, HongKong và UAE với nhiều chính sách ưu đãi cho công ty trong lĩnh vực công nghệ.

Liên hệ với Minh Châu Legal để bắt đầu hoạt động kinh doanh trong ngành Blockchain tại Singapore!

4. Bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực Blockchain và Crypto

Bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia thị trường tiền điện tử

Việt Nam đã đưa ra quy định về bảo mật thông tin nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong lĩnh vực blockchain và crypto. Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm quyền của cá nhân đối với dữ liệu cá nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, xử lý, lưu trữ và bảo mật dữ liệu cá nhân. Nghị định này cũng đặt ra các yêu cầu về báo cáo và biện pháp xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo an toàn thông tin và quyền riêng tư cho người dùng.

Ngoài ra, mỗi sàn giao dịch đều có những quy định riêng về quản lý tài sản, phòng chống rửa tiền theo những quy định của đất nước mà sàn giao dịch đang đăng ký hoạt động. Ví dụ như sàn giao dịch ONUS đăng ký là một đơn vị cung cấp dịch vụ tiền điện tử tại Lithuania, thực hiện tuân thủ theo những quy định tại quốc gia này.

Việc tuân thủ các quy định này không chỉ giúp bảo vệ nhà đầu tư và người tiêu dùng mà còn góp phần xây dựng uy tín và phát triển bền vững cho thị trường blockchain và crypto tại Việt Nam.

5. Các biện pháp bảo vệ chống lừa đảo và rủi ro trong giao dịch Blockchain và Crypto.

 

Mặc dù Việt Nam chưa có các quy định cụ thể về bảo vệ chống lừa đảo và rủi ro trong giao dịch blockchain và crypto, chính phủ đang tích cực nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để quản lý lĩnh vực này. Các biện pháp đề xuất bao gồm:

  •  Yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử phải tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh mạng, sử dụng công nghệ xác thực đa yếu tố (MFA), và mã hóa dữ liệu để bảo vệ thông tin người dùng. 
  • Chính phủ cũng khuyến khích các dự án ICO và STO minh bạch trong việc cung cấp thông tin và đảm bảo tính hợp pháp. 

Những nỗ lực này nhằm tạo ra một môi trường đầu tư an toàn và tin cậy, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường blockchain và crypto tại Việt Nam.

6. Những Thách Thức Và Cơ Hội của Blockchain và Crypto tại Việt Nam

Các công ty hoạt động trong lĩnh vực blockchain và crypto tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng không thiếu cơ hội

Thách thức và cơ hội cho thị trường blockchain và tiền điện tử tại Việt Nam

6.1. Cơ hội

  • Thị Trường Đang Phát Triển Mạnh Mẽ: Việt Nam có cộng đồng người dùng crypto lớn, với nhiều người dân quan tâm và đầu tư vào tiền điện tử, tạo ra thị trường tiềm năng lớn cho các dịch vụ và sản phẩm liên quan đến blockchain và crypto.
  • Chính Phủ Đang Nghiên Cứu Và Hoàn Thiện Khung Pháp Lý: Chính phủ Việt Nam đang tích cực nghiên cứu và xây dựng các quy định mới để quản lý lĩnh vực này, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật để xây dựng lòng tin và uy tín trong thị trường.
  • Đổi mới sáng tạo: Công nghệ blockchain và crypto mang đến nhiều cơ hội đổi mới trong các lĩnh vực như tài chính, logistics, y tế và quản lý chuỗi cung ứng, mở ra nhiều cơ hội phát triển sản phẩm và dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.

6.2. Thách thức

  • Quy định pháp lý chưa rõ ràng: Các quy định pháp lý về blockchain và crypto tại Việt Nam còn chưa hoàn thiện và đồng bộ, gây ra sự không chắc chắn về mặt pháp lý, tăng nguy cơ vi phạm và các khoản phạt tiềm tàng cho doanh nghiệp.
  • Rủi ro pháp lý cao: Do tính chất mới mẻ và phức tạp của công nghệ blockchain và tiền điện tử, các công ty phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý, bao gồm cả việc bảo vệ dữ liệu và phòng chống rửa tiền, điều này có thể làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật và giảm lợi nhuận.

7. Kết Luận

Các quy định quy định pháp lý trong lĩnh vực Blockchain và Crypto tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo sự phát triển của ngành và nâng cao uy tín về nền tài chính tiên tiến. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần chú trọng cập nhật và tuân thủ các quy định pháp lý hiện hành, đầu tư vào hệ thống bảo mật, quản lý rủi ro, đảm bảo minh bạch trong hoạt động kinh doanh và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý là rất quan trọng. Những biện pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn xây dựng uy tín và vị thế vững chắc trên thị trường.

Hãy liên hệ Minh Châu Legal để được tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động blockchain và crypto tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.

Bài viết liên quan

Scroll to Top

Liên lạc với chúng tôi

Chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết các vướng mắc trong thời gian sớm nhất